Hàng Châu – Nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh hữu tình, nhiều truyền thuyết như mối tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, truyền thuyết Bạch xà… gắn liền với Hàng Châu.
“Tây Hồ mỹ cảnh, những ngày tháng ba,
Mưa xuân như rượu, tơ liễu như khói,
Hữu duyên thiên lý lai tương hội,
Vô duyên đối diện thủ nan khiên.
Thập niên tu đắc đồng thuyền độ,
Trăm năm tu được cộng chẩm miên,
Nếu như ngàn năm có tạo hoá,
Bạc đầu đồng tâm ngay trước mắt…”
Người Trung Quốc có câu: “Sinh ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu, chết ở Liễu Châu.” – cũng bởi mỹ nhân Tô Châu hoa dung nguyệt mạo, non nước Hàng Châu thi vị phong lưu, ẩm thực Quảng Châu đặc sắc đa dạng, nam mộc Liễu Châu quý giá toả hương. Vậy nên lần đầu tiên đặt chân đến đất nước Trung Hoa, chúng tôi lựa chọn một lịch trình truyền thống đó là ngoạn cảnh Tô – Hàng nhị châu, tham quan Bắc Kinh – Thượng Hải và mua sắm ở Quảng Châu. Vào tháng ba, thời tiết mát mẻ, ánh nắng nhẹ nhàng và thi thoảng mưa lắc rắc chắc chắn là một trong những thời điểm lý tưởng nhất cho việc thăm thú và khám phá.
Ấn tượng còn lưu lại rõ nét nhất từ chuyến đi ấy sau nhiều năm chính là những ngày ở Hàng Châu – nơi được thiên nhân đặc ân với rất thắng cảnh hữu tình, nhiều truyền thuyết giữa những năm tháng phồn hoa thịnh vượng. Giữa lúc du thuyền thong thả rời bến ngắm nhìn những hàng liễu mướt xanh tha thướt rũ xuống ven mặt nước, chúng tôi được nghe kể về “Tam Quái Hàng Châu” và “Tây Hồ tam đại tình nhân kiều” cũng như 2 câu chuyện trong Tứ đại truyền thuyết dân gian của Trung Quốc đã được bắt nguồn từ mảnh đất thú vị này.
Truyền thuyết Bạch xà: Mối tình giữa Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên, tiền thế kim sinh chi duyên – duy kiến và tương phùng tại Đoạn Kiều (đoạn trong trong tiếng Việt nghĩa là gãy mà trong tiếng Anh cây cầu này cũng có tên là Broken Bridge), tuy nhiên cây cầu này từ trước đến nay vẫn luôn nguyên vẹn… – nhất quái chính là Đoạn kiều.
Ở Tây Hồ có hai con đê lớn chắn giữa hai bờ đó là Tô đê và Bạch đê. Con đê bên phải là do nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha thời làm quan ở đó đã tạo nên – mang tên Tô đê. Con đê bên trái do nhà thơ Bạch Cư Dị chỉ huy đắp, giờ gọi Bạch đê. Đoạn Kiều ở phía Bạch đê. Có truyền thuyết kể rằng khi xây cầu này, bọn thủy quái đã nhiều lần hiện lên hô phong hoán vũ làm cầu cứ xây xong lại gãy. Nhưng cuối cùng cây cầu vẫn hoàn thành vì có vị hòa thượng trấn phép được bọn yêu quái. Trong vở kinh kịch, khi thấy Bạch Tố Trinh hướng Đoạn Kiều, nhớ lại người xưa rơi nước mắt, Thanh Nhi nói: “Đoạn kiều, danh tự không cát lợi!.” Nhưng Bạch xà đáp rằng: “Cầu đoạn tình bất đoạn, rõ ràng ta cùng quan nhân có thể kế tục tiền duyên…”
Ngắm cảnh Đoạn kiều và xa xa là Lôi Phong Tháp từ trên khoang thuyền tôi tự hỏi phải chăng nàng Bạch xà vẫn còn chịu đày đoạ dưới chân đại tháp kia… nước Tây Hồ chưa cạn và ngọn Lôi Phong đến nay hẳn vẫn còn kiên cố lắm. Trong dân gian còn lưu truyền câu kệ này:
“Tây Hồ nước cạn, sông hồ chẳng lên, tháp Lôi Phong đổ, Bạch Xà xuất thế.”
Mối duyên Lương Chúc: tình yêu của Lương Sơn Bá & Chúc Anh Đài được ví như Romeo & Julliet phương Đông – cả hai gặp gỡ và tương ái khi đi học tại ngôi trường Nghi Sơn ở Hàng Châu. Chính vì tác phẩm này mà một cây cầu có chiều dài chưa tới 100m đã được đặt tên là Trường Kiều… – cầu ngắn mà tên gọi là dài, Trường Kiều là cái quái thứ hai.
Thật ra, chính vì mỗi lần đôi uyên ương Lương Chúc tiễn đưa nhau, thời gian vừa ngắn chẳng tày gang, vừa như kéo dài vô tận, người này tiễn người kia qua cầu, người kia lại tiễn người này quay lại nên khiến đoạn đường vốn ngắn ngủi càng thêm kéo dài ra đến hàng km.
Bi kịch tình yêu của đôi trẻ bạc mệnh này khép lại với hình ảnh của đôi hồ điệp cùng bay vờn quanh khóm hoa tươi, quyến luyến bên nhau không rời – nguồn cảm hứng tuyệt diệu của thi ca, nhạc hoạ, phim ảnh… Vì thế có câu:
“Trường kiều bất trường tình nghĩa trường.
Đoạn kiều bất đoạn thốn trường đoạn.”
Cô Sơn – một hòn núi nhỏ, cô đơn trơ trọi giữa Tây Hồ, tên được đặt đúng theo đặc trưng về mặt địa lý nhưng cái quái ở đây chính vì một nơi mang tên cô tịch nhưng thật chất là nơi vui chơi hưởng lạc có tiếng từ bao đời nay với mỹ nhân, hảo tửu, ca sướng, hội hè… của những vị hoàng đế đa tình như Khang Hy, Càn Long…
Tây Lãnh kiều – cây cầu tình nhân thứ ba nổi tiếng vùng Tây Hồ, xếp sau Đoạn – Trường nhị kiều – nơi một kỹ nữ nổi danh Hàng Châu lúc bấy giờ là Tô Tiểu Tiểu được an táng khi vừa tròn hai mươi bốn tuổi.
Nàng là người Tiền Đường, nhan sắc xinh đẹp, tài trí thông minh, khí chất ưu nhã, cầm kỳ thi họa tinh thông nhưng chỉ trách hồng nhan bạc mệnh, Tô Tiểu Tiểu vì nhớ thương người yêu bặt vô âm tính mà tâm tư u uất, bệnh tình càng lúc càng trầm trọng rồi mất sớm.
“Sinh vu Tây Lãnh, tử vu Tây Lãnh, mai cốt vu Tây Lãnh,
thứ bất phụ ngã Tô Tiểu Tiểu sơn thủy chi tích”
“Sinh ở Tây Lãnh, chết ở Tây Lãnh, vùi xương ở Tây Lãnh,
ngõ hầu chẳng phụ tính mê non nước của Tô Tiểu Tiểu ta.”
Đây cũng là những dòng tuyệt bút cuối cùng của nàng với lòng lưu luyến sau giã biệt trần thế vẫn còn có thể ngắm nhìn cảnh sắc mê hoặc lòng người của Tây Hồ – một hòn ngọc mát xanh tuyệt đẹp ôm trọn phong vị thiên nhiên bốn mùa mỹ lệ.
Chỉ đáng tiếc là chúng tôi không có dịp xem kinh kịch – nghệ thuật tuồng cổ có thể được xem là quốc hồn quốc tuý của Trung Quốc về những giai thoại kinh điển như Thanh xà Bạch xà truyện hay Lương Sơn Bá & Chúc Anh Đài ngay tại Hàng Châu vào lần này. Sắc trời sáng hôm ấy không trong sáng lắm, chút mưa xuân pha lẫn trong gió nên nếu giả như có ai đó bắt đầu ngân nga vài câu hát, chắc tôi sẽ tưởng rằng con thuyền này đã thật sự lạc vào truyền thuyết …
“Tây Hồ, mưa lại gió,
Cây dù chính là bà mai
Gặp gỡ Đoạn kiều trung
Thanh minh giai tiết mưa rào rạt
Đồng thuyền lưỡng tương hảo,
Một cây dù giấy che chung nhau
Duyên định tam sinh lại trùng phùng…”
Thanh Hoa – Dulichnamchau.info
Bạn có nhiều trải nghiệm thực tế muốn chia sẻ với mọi người? Hãy gửi ngay bài, hình ảnh để đăng lên Dulichnamchau.info. Du hí đó đây sẽ xét tặng nhuận bút cho bạn. Vậy là bạn vừa có thể chia sẻ trải nghiệm của bản thân với mọi người, lại có thêm tiền từ việc chia sẻ nữa thì quá đã phải không nào!