Khi chiều xuống, sự yên bình bao trùm lên khu phố cổ giữa lòng cao nguyên đá. Đêm đến, người ta lại thấy một khú phố lập lòe với những ánh đèn dầu.
Phố cổ Đồng Văn, Hà Giang
Hà Giang đâu chỉ có cao nguyên đá hay những cánh đồng bạt ngàn hoa tam giác mạch mà khu Phố cổ Đồng Văn cũng thu hút sự chú ý của mọi người.
Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban sơ chỉ có một vài gia đình người Tày, người Mông và người Hoa sinh sống.
Về tổng thể, khu phố cổ mang đậm nét kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương cùng những chiếc đèn lồng đỏ treo cao. Riêng khu vực chợ Đồng Văn, còn có những ngôi nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội.
Tại đây chỉ có vẻn vẹn khoảng 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Những ngôi nhà ở đây có tuổi đời trên dưới 100 năm, đặc biệt có những ngôi nhà gần 200 năm như nhà ông Lương Huy Ngò, người Tày được xây từ khoảng năm 1860.
Mỗi một thời điểm trong ngày, phố cổ Đồng Văn sẽ mang đến cho bạn những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Buổi sáng, là sự kết hợp hài hòa giữa màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ cùng với âm thanh náo nhiệt, sắc màu rực rỡ trong những bộ trang phục của đồng bào người Hoa, Mông, Tày, Nùng… Khi chiều xuống, sự yên bình lại bao trùm lên khu phố cổ giữa lòng cao nguyên đá này. Đêm đến, người ta lại thấy một khu phố lập lòe với những ánh đèn dầu.
Trong không gian ấy, đôi khi người ta sẽ nghe thấy tiếng kèn môi của những chàng trai Mông trong giai điệu gọi bạn tình.
Cafe phố cổ Đồng Văn
Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã quyết định tổ chức “Đêm phố cổ” hàng tháng vào các ngày 14, 15, 16 Âm lịch. Theo đó, các gia đình trong khu phố cổ sẽ treo đèn lồng đỏ và tổ chức một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, bán các món ăn truyền thống, trình diễn các trò chơi dân gian…
Khi đến phố cổ Đồng Văn bạn hãy ghé qua quán “Cà phê phố cổ”. Vẫn giữ nguyên lối kiến trúc của những ngôi nhà cổ nhưng nơi đây vẫn mang đên cho bạn những cảm xúc khác lạ khi vừa nhâm nhi ly cà phê vừa lắng nghe những âm thanh bên ngoài. Bạn sẽ cảm thấy rất yên bình.
Phố cổ Đồng Văn không quá lớn nhưng đủ rộng để chứa nhiều người và rộng hơn để chứa cả những tâm hồn thênh thang ở trên cao nguyên đá, những con người “sống trong đá, chết vùi trong đá” hay những con người phương xa đã trót cảm mến nơi đất này!
Phố cổ Hà Nội
Nhắc đến Hà Nội, không ai là không biết đến khu phố cổ với những con đường tấp nập, những ngôi nhà xưa cũ. Những khu phố, con đường đều lưu giữ những ký ức lịch sử của thủ đô nghìn năm văn hiến cũng như những ký ức của những người dân sinh sống nơi đây.
Trải qua nhiều năm, phố cổ Hà Nội không còn giữ nguyên được những nét xưa nhưng đây vẫn là địa danh gắn liền với lịch sử và là điểm tham quan hàng đầu của du khách khi đến với mảnh đất thủ đô.
Trước kia, những khu phố này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, từ đó hình thành nên những phố nghề đặc trưng.
Các sản phẩm buôn bán chủ yếu trên từng phố trở thành tên phố và được ghép với chữ “Hàng” đặt ở đầu như phố Hàng Mã chuyên buôn bán đồ vàng mã, Hàng Thiếc chuyên bày bán những đồ gia dụng bằng thiễ, sắt tây, Hàng Bạc với những cửa hàng trang sức lớn nhỏ…
Tuy nhiên, cùng với thời gian nhiều ngành nghề đã biến mất cũng như những ngành nghề mới xuất hiện khiến các con phố không còn kinh doanh những ngành nghề trùng với tên phố nữa như Hàng Buồm xưa bán những sản phẩm như túi, vỉ buồm nay lại tụ tập những cửa hàng bánh kẹo, hạt dưa hay Hàng Quạt trước buôn bán đàn và quạt, giờ chuyển sang kinh doanh bàn thờ, tranh thêu, câu đối…
Khi dạo quanh phố cổ, bạn sẽ thấy những ngôi nhà nơi đây đều được xây theo kiểu nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền được tận dụng trở thành những cửa hàng kinh doanh.
Những ngôi nhà ống này được xây chủ yếu từ đầu thế kỷ 20 còn lúc đầu phố cổ chỉ có những gian nhà tranh bằng tre nứa đơn sơ, sau này những ngôi nhà có mái ngói đỏ tươi mới xuất hiện, sau cùng là nhà ống.
Nếu có cơ hội vào tham quan kỹ những ngôi nhà cổ, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra bên trong những ngôi nhà là những lối đi nhỏ chằng chịt hay những bức tường vẫn còn lưu giữ những hòn gạch cũ kỹ in dấu thời gian.
Phố cổ Hà Nội có gì hay?
Đến phố cổ, không thể không ghé qua một số ngôi chùa, đình đền nổi tiếng, có từ lâu đời như đền Bà Chúa, đền Mã Mây, chùa Kim Cổ, chùa Cầu Đông… Ngoài ra, bạn có thể tham quan cửa ô Quan Chưởng nằm ở đầu Hàng Chiếu hay chợ Đồng Xuân lâu đời.
Và đặc biệt ghé thăm nơi đây bạn không thể bỏ qua những món ăn ngon như bún chả, bún ốc, bánh cuốn…
Đã đến thủ đô, nhất định phải đến tham quan khu phố cổ Hà Nội để hiểu rõ về Hà Nội 36 phố phường. Đây là một di tích lịch sử đáng để được người dân trân trọng và tiếp tục phát triển những ngành nghề truyền thống của dân tộc.
Một gợi ý là các bạn nên chuẩn bị sẵn một tấm bản đồ Hà Nội hay đi theo hướng dẫn viên vì các khu phố trong Phố cổ rất chằng chịt nên bạn rất dễ bị lạc.
Phố cổ Hội An
Hội An là một phố cổ nằm ở hạ lưu ngãu ba sông Thu Bông thuộc vùng đồng bằng ven biển Quảng Nam, là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Trong suốt thế kỷ 17,18 nơi đây từng là thương cảng sầm uất của những thương gia người Nhật, Trung Quốc và phương Tây. Và thật may mắn Hội An không bị ảnh hưởng nhiều từ hai cuộc chiến tranh lịch sử của đất nước và tránh được sự đô thị hóa, công nghiệp hóa của nền kinh tế nên Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ…
Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.
Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ.
Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…
Đến Hội An bạn sẽ bắt gặp những con hẻm nhỏ chỉ vừa một người đi qua, những bức tường phủ kín rêu phong cùng năm tháng hay những ngôi nhà cổ nép mình dưới những giàn hoa giấy hồng rực một góc trời.
Nét ẩm thực xứ Quảng
Ẩm thực đất Hội cũng là điều níu kéo bước chân của nhiều du khách cũng như là yếu tố mời gọi các du khách quay lại nơi đây. Nếu đã đến Hội An bạn không thể bỏ qua món cơn gà, cao lầu, bánh đạp hến xào, bánh xèo…
Phố Hội đẹp nhất về đêm, khi những tia nắng dần tắt cả phố sẽ chìm trong ánh đèn huyền ảo của hàng trăm chiêc đèn lồng. Đặc biệt nếu bạn đến Hội An vào ngày 14 âm lịch hàng tháng thì bạn sẽ được chiêm ngưỡng sông Thu Bồn như một dải lụa được thắp sáng bởi những chiếc đèn hoa đăng được thả bởi du khách và người dân nơi đây thả xuống. Khắp mặt sông là những chiếc đèn lập lòe ánh sáng tạo nên một khung cảnh nên thơ.
Hội An vừa trậm lặng, yên bình với những nét cổ kính của năm tháng vừa thơ mộng với những ánh đèn lồng vào mỗi đêm làm say đắm lòng du khách mỗi lần ghé qua.
Gửi phản hồi