Chùa Dơi Sóc Trăng là một quần thể kiến trúc độc đáo và tiêu biểu nhất của văn hóa Khmer của người dân Sóc Trăng. Là điểm đến không thể bỏ qua, nếu một lần ghé đến vùng quê sông nước miền Tây này.
“…Về Đại Tâm thăm người bạn Khmer
Nghe hát dù kê và điệu múa lâm thôn
Sóc sờ bai, bòn, tâu na bòn tâu na bòn ơi…”
Lời bài hát “Sóc sờ bai Sóc Trăng” vang lên một cách đầy sôi động và ngọt ngào như muốn cuốn người nghe vào điệu múa Sóc sờ bai của đồng bào dân tộc người Khmer. Bài hát ấy còn như là một lời mời gọi tha thiết dành cho du khách thập phương hãy đến với Sóc Trăng – xứ sở của lễ hội và chùa tháp.
Nơi đây có rất nhiều điểm du lịch đáng để tham quan và khám phá, trong đó có Chùa Dơi – một ngôi chùa lạ lùng từ cái tên và được xây dựng theo dấu ấn riêng, mang đậm lối kiến trúc của đồng bào Khmer.
Trong số những ngôi chùa ở Sóc Trăng thì chùa Dơi là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của người Khmer. Nó là một quần thể kiến trúc độc đáo với lối kiến trúc rất ấn tượng và mang những nét đặc trưng riêng mà không phải nơi nào cũng có.
Nếu như việc dựng nhà cửa của người Khmer rất đơn giản và thường không được coi trọng bởi họ không muốn phô trương, biểu thị sự giàu sang, bề thế của gia đình mình thì trong việc xây dựng, tu bổ ngôi chùa họ lại vô cùng chú trọng, làm cho thật lộng lẫy và sang trọng.
Chùa Dơi nằm trên đường Văn Ngọc Chinh, phường 3, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 3km về hướng Đông Nam. Lúc đầu chùa có tên là Wathserâytêchô – Mahatup, người Việt, người Hoa đọc trại từ Mahatup thành “Mã Tộc”, cho nên chùa Dơi còn có tên gọi là chùa Mã Tộc. Và từ Mã Tộc đó cũng là một địa danh, được coi như là một làng nhỏ mà có đồng bào Việt – Hoa – Khmer sống cộng cư ở đây, hết sức chan hòa, đoàn kết và nhân ái.
Về sau, sở dĩ có tên chùa Dơi bởi vì nơi đây là địa điểm trú ngụ của rất nhiều loài dơi to lớn, số lượng ước tính lên đến hàng triệu con mà cho đến nay, nhiều người vẫn chưa giải thích được. Họ cho rằng ngôi chùa chính là đất lành linh thiêng, phù hợp cho loài dơi đến sinh sống và kỳ lạ thay, dơi chỉ đậu trong khuôn viên của chùa chứ không đậu ra ngoài phạm vi ngôi chùa.
Phải chăng, chính điểm đặc biệt đó đã tạo nên nét độc đáo, riêng biệt cho chùa Dơi và hấp dẫn mọi du khách đến tham quan?
Chùa Dơi là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo Nam tông Nam Bộ, toàn bộ khuôn viên của chùa nằm trong một khu vườn rộng khoảng 4 ha, um tùm các loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, …
Về kiến trúc, chùa gồm 3 công trình chính là chánh điện, Sala và nhà thờ cố lục cả Thạch Chia – người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa. Trong đó ngôi chánh điện được xem là nổi bật nhất, được xây dựng ở vị trí trung tâm theo lối kiến trúc truyền thống Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung toàn bộ giá trị nghệ thuật kiến trúc của ngôi chùa, có nền cao hơn so với các công trình khác và làm tăng vẻ trang trọng, tôn nghiêm nơi thờ phụng Đức Phật.
Bên ngoài, những bức tường được dát một lớp màu vàng óng ánh kết hợp với nhiều hoa văn, họa tiết đặc trưng cho tín ngưỡng, nghệ thuật của dân tộc Khmer như hoa cà ri, bánh xe luân hồi, vũ điệu apsara… nhưng trọng tâm vẫn là bức tranh Đức Phật nhập niết bàn.
Bên trong chánh điện là bức tượng Phật Thích Ca cao khoảng 2m, đặt trên bệ thờ cao khoảng 1,5m và những bức bích họa như hoa sen, hoa văn lửa…được bố trí một cách hợp lí đã góp phần tạo nên đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát và uyển chuyển thể hiện sự giàu đẹp của thiên nhiên với bốn mùa hoa lá xanh tươi.
Trong khuôn viên chùa, có rất nhiều cây cổ thụ xanh mướt với những tán lá trải dài, rợp bóng mát như cây thốt nốt, cây sao hay cây dầu cao vút… khiến bạn có thể vừa được đi dạo để thả tâm hồn mình hòa cùng với thiên nhiên vừa thỏa sức chiêm ngưỡng, khám phá những đàn dơi treo lủng lẳng trên những nhánh cây như những chùm quả nặng trĩu níu giữ ánh nhìn của mọi du khách.
Không gian gần gũi, thanh tịnh chỉ có tiếng cây lá xào xạc và thỉnh thoảng xen vào những âm thanh của gió, tiếng kêu của những chú dơi con… Tất cả tạo thành một bức tranh thiên nhiên thật phong phú và sống động.
Một điều nữa đã góp phần làm nên sự đặc biệt của chùa Dơi chính là nơi đây hiện đang lưu giữ nguyên vẹn các bộ kinh ghi trên lá cây buông. Đây là loại kinh cổ mà người Khmer Nam Bộ quý trọng và luôn xem như báu vật. Và đây cũng là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng.
Với toàn bộ quần thể công trình kiến trúc độc đáo và khác biệt, tựa như một rừng hoa văn với những đường nét uyển chuyển, bố cục cân xứng… chùa Dơi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999. Chùa chính là tác phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, văn hóa và cuộc sống đời thường, là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt vời nhất được tạo ra từ tinh thần lao động cần cù và sáng tạo qua đôi bàn tay khéo léo của người Khmer.
Chắc chắn chùa Dơi sẽ là một điểm đến hấp dẫn đối với những ai yêu thích du lịch tâm linh và thích khám phá. Hãy thử một lần, vào ban ngày đi thăm vườn chùa rợp bóng mát, nhìn hàng vạn con dơi treo mình ngủ trên cây thì phải chăng nhiều người mới thấm thía được cái giá trị của sự bình yên, của một môi trường trong lành đang ngày càng trở nên cần thiết cho chim thú và cho chính con người?
Gửi phản hồi