Núi Gia Lào hay núi Chứa Chan, núi Gia Ray là điểm lý tưởng nhất cho các “phượt thủ” thưởng thức trọn vẹn không khí dã ngoại vào dịp cuối tuần.
Ở vùng miền Đông Nam Bộ dường như mọi người chỉ biết tới sự nổi tiếng của Núi Bà Đen, hay thêm nữa là núi Bà Rá Bình Phước.
Nhưng ít người biết được có một ngọn núi nổi tiếng từ xưa tới nay chính là núi Chứa Chan – Là nơi nghỉ dưỡng của toàn quyền Pháp khi xưa. Hay vườn trà của vua Bảo Đại.
Nếu như núi Bà Đen ở Tây Ninh với độ cao 986m và được mệnh danh là “ nóc nhà của Đông Nam Bộ”, thì núi Chứa Chan là ngọn núi mang vẻ hữu tình độc nhất vô nhị ở Đông Nam Bộ. Tuy độ cao của nó chỉ đứng vị trí thứ hai ở Nam Bộ nhưng lại có vẻ đẹp hết sức thơ mộng “núi ôm ấp mây, mây ấp núi”.
>> Xem thêm: Du lịch Tây Ninh đi về trong ngày
Tuy không nổi tiếng bằng núi Bà Đen đối với các phượt thủ, nhưng Chứa Chan mới là nơi để du khách có thể tìm đến thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên, cùng hòa mình vào bầu không khí vô cùng trong lành và dễ chịu.
Núi Gia Lào ở Đâu?
Núi Chứa Chan thuộc vào địa phận xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây được coi là thắng cảnh hữu tình với cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp và đầy sức hấp dẫn với sự tích “cây đa ba gốc một ngọn”.
Bởi thế mà núi Gia Lào ( cùng với núi Gia Ray là tên gọi khác của núi Chứa Chan) được xếp hạng là di tích Quốc Gia.
Đường đi núi Gia Lào
Nằm cách không xa Sài Gòn, chỉ khoảng 100 Km, rất phù hợp cho các bạn tổ chức một buổi phượt núi Gia Lào dã ngoại vào dịp cuối tuần bằng xe máy.
Hãy đi sớm khi thời tiết mát mẻ để bạn có thể thư thái, thong thả ngắm cảnh ven đường với cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, đàn trâu thung thăng gặm cỏ và mặt trời vừa mọc, nhô đầu lên tươi cười đón ngày mới.
Nếu xuất phát từ trung tâm của thành phố, bạn đi theo quốc lộ 1A hướng Phan Thiết đến ngã năm thị xã Long Khánh. Chạy thẳng vào đường đường Hồ Thị Hương ( tên cũ: Nguyễn Văn Bé).
Từ đây có hai cách đi núi Gia Lào
Cách thứ 1 xa hơn nhưng dễ đi (Khoảng 30 km): Chạy thẳng hết đường Hồ Thị Hương cuối đường sẽ đụng quốc lộ 1A tiếp (đi tắt quốc lộ), đi thêm khoảng 70km tới ngã ba Ông Đồn tại thị trấn Xuân Lộc, thì rẽ trái vào tỉnh lộ 766 (đường Hùng Vương), đi gần 2km nữa sẽ thấy bảng Khu Di tích lịch sử – Danh thắng núi Chứa Chan rồi rẽ vào con đường nhựa mới khoảng 3,5km là tới chân núi.
Cách thứ 2 nhanh hơn nhưng hơi khó (khoảng 25 km): Tại ngã năm thị xã Long Khánh, chạy thẳng theo đường Hồ Thị Hương.
Chạy tới ngã tư giao với đường Hồng Thập Tự và đường Hoàng Diệu, thì quẹo trái theo đường Hoàng Diệu. Chạy hết đường Hoàng Diệu, quẹo trái tiếp vào đường Ngô Quyền. Chạy một đoạn thì quẹo phải vào đường Duy Tân.
Chạy thẳng hết đường Duy Tân, tới ngã ba Vĩnh Biệt, thẳng theo đường Xuân Lộc – Long Khánh là tới.
Núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai ở Đông Nam Bộ (sau núi Bà Đen), với độ cao là 837m so với mặt nước biển.
Nếu như núi Bà là hình ảnh của chiếc nón bài thơ mơ mộng giữa mây trời thì núi Chứa Chan lại có dáng hình của vòng cung với ba ngọn đồi liên tiếp nhau xếp lại thành hình bát úp ngược trong tư thế hùng vĩ, hiên ngang.
Đến với núi Gia Lào, bạn sẽ như được hòa mình vào sống cùng với thiên nhiên với buổi sáng cây cỏ xanh rực rỡ dưới ánh nắng vàng nhẹ của mặt trời trên đỉnh núi rồi đến chiều tà ngọn núi ấy lại sừng sững âm u trên nền trời trắng xám.
Đặc biệt, nơi đây có rất nhiều dòng suối uốn lượn, nước chảy róc rách quanh năm tươi mát như ẩn mình chơi trò “trốn tìm” dưới những rừng cây bạt ngàn.
Núi Gia Lào có cáp treo không?
Xin trả lời là có.
Tuyến cáp treo núi Chứa Chan được khai trương vào đầu năm 2016. Dài hơn 1200 m, có giá khứ hồi cho người lớn là 160 ngàn, trẻ em cao từ 0,9 m tới 1,2 m là 90 ngàn, và miến phí cho trẻ dưới 0,9 m.
Tuy vậy mình khuyên các bạn khi đi lên thì nên tự mình leo bộ để trải nghiệm, và chỉ nên mua vé đi xuống, để mình có thể ngắm toàn cảnh núi được rõ hơn.
Con đường lên núi Chứa Chan sẽ gồm những bậc thang đá lên chùa Bửu Quang rồi nếu như muốn chinh phục độ cao hơn 800m của ngọn núi này, bạn phải tiếp tục đoạn đường còn lại đầy cam go, khó khăn với độ dốc, hàng bụi rậm lẫn gành đá cheo leo đầy vất vả để leo lên được đỉnh núi.
Tuy vậy bạn sẽ không phải hối hận trong việc vất vả chinh phục đỉnh ngọn núi cao thứ hai Đông Nam Bộ này.
Một điều cực kì thú vị là càng lên cao, bạn sẽ được hòa vào dòng mây đang bồng bềnh trôi nhởn nhơ lững lờ và được chìm đắm trong không gian yên bình giữa thiên nhiên núi rừng.
Điểm tham quan, du lịch núi Gia Lào
Ở lưng chừng núi có nhiều “giếng Tiên” cùng với những di tích như chùa Bửu Quang, chùa Lâm Sơn, chùa Linh Sơn, nhà nghỉ mát có từ thời Pháp, vườn trà của vua Bảo Đại… Tất cả những thứ đó đã tạo thành một quần thể thắng cảnh độc đáo nhất ở Đông Nam Bộ mà không nơi nào có được.
Nổi tiếng nhất là chùa Bửu Quang (chùa Gia Lào) nằm trên độ cao 600m, là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, là nơi linh thiêng của tín đồ Phật giáo thu hút nhiều dòng người khắp nơi đổ về hành hương mỗi năm.
Chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 với quần thể kiến trúc đều dựa vào những hang động thiên nhiên, tạo nên nét độc đáo giữa chốn thâm nghiêm kỳ vĩ của núi rừng.
Trên núi Gia Ray, bạn còn được khám phá Suối Tiên trong vắt, nước chảy róc rách quanh năm như nàng sơn nữ nằm ở lưng chừng núi điểm tô cho vẻ đẹp lung linh huyền ảo và như để minh chứng thêm cho các huyền tích được truyền từ bao đời của vùng sơn cước này.
Và thú vị, li kì nhất có lẽ là được nghe kể về sự tích núi Gia Lào và “cây đa bí ẩn có ba gốc một ngọn”…Chắc hẳn ai rất tò mò?
Đến đây dường như cũng chính là tìm về với sự tĩnh lặng, thưởng thức vẻ đẹp, trong lành của thiên nhiên, viếng chùa Bửu Quang để lòng thanh thản, cầu mong cho sự bình an.
Lên đỉnh bằng đường cột điện có gửi ko bạn
Cho minh hỏi , di nui chua chan gia lao minh muon di xe khach thi di nhu the nao ah