Linh Quy Pháp Ấn còn gọi là am Pháp Ấn, một chốn bồng lai tiên cảnh để bạn hỏa mình vào mây núi, để tận hưởng sự bình yên thanh tịnh trong tâm hồn.
Khi con người vẫn chọn Đà Lạt như một sự lựa chọn hoàn hảo thì tôi lại đặt bút cho mình những điểm đến mới lạ, không quá nhiều người, không quá ồn ã, giữa chốn đại ngàn Tây Nguyên vẫn có nhiều hành trình mới đang đợi chinh phục.
Linh Quy Pháp Ấn tự còn gọi là am Pháp Ấn, một chốn bồng lai tiên cảnh để bạn thỏa mình vào trời mây sông núi, để tận hưởng sự bình yên thanh tịnh trong tâm hồn.
>> Rừng cây lá phong ở Đà Lạt – Mang nét trời Âu về Việt Nam
Đường đi chùa Linh Quy Pháp Ấn
Chùa Linh Quy Pháp Ấn cách Đà Lạt khoảng 120 km, cách Tp. HCM gần 200km thuộc xã Lộc Thành, Tp. Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Để đi chùa Linh Quy Pháp Ấn, nếu xuất phát từ Tp. HCM, thì đi theo Quốc lộ 1A, rồi rẽ trái tại ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) theo Quốc lộ 20 đi Tp. Bảo Lộc (Lâm Đồng). Nếu xuất phát từ Đà Lạt, thì ngược theo Quốc lộ 20 đi Tp. HCM tới Bảo Lộc.
Từ Thành phố Bảo Lộc, theo đường Trần Phú (Quốc lộ 20) đi Đà Lạt tới ngã ba Đại Bình (phường Lộc Sơn), thì rẽ phải theo đường Trần Hưng Đạo (Quốc lộ 55). Chạy thẳng khoảng 10 km (chạy qua chợ xã Lộc Thành khoảng hơn 500m), thì gặp ngã ba lớn. Rẽ phải sẽ bắt gặp chùa Niết Bàn, tiếp tục chạy thẳng khoảng 2 km, sẽ có bảng hướng dẫn đường lên chùa Linh Quy Pháp Ấn.
Men theo hướng lên dốc núi, bạn sẽ gặp bảng hướng dẫn đường lên cổng trời Bảo Lộc – Quán Chiếu Đường, địa điểm được ví von như “cổng trời”, bởi cảnh đẹp đầy huyền ảo vô thực, được nhiều bạn check-in nhất. Đi tiếp một lúc sẽ tới chùa Linh Quy Pháp Ấn.
Kinh nghiệm đi chùa Linh Quy Pháp Ấn
Để tận hưởng những hình ảnh đẹp của vẻ đẹp nơi đây. Cách tốt nhất, bạn gửi xe dưới chân đồi 45 và men theo những bậc thềm đá phủ rêu, con đường của đồi chè, rặng trúc. Tự nhiên làm tôi nhớ đến những câu thơ của Sư Tuệ Thiền:
“Cỏ dại ven đường
Hồn nhiên điểm nụ
Giữa chút tầm thường
Bao la hội tụ” ~ Tuệ Thiền ~
Có những thứ tầm thường nhưng khi nó kết hợp để tạo nên sự hòa hợp thì sự tầm thường đấy có sức lôi cuốn, hấp dẫn. Ở Linh Quy Pháp Ấn, từ con đường mòn quen thuộc, từ những hình ảnh của chè xanh, của rừng, của núi nơi đâu cũng có, từ Cổng Trời, đến kiến trúc chùa đều vẽ nên một nét vào bức tranh mang tiêu đề “hài hòa”.
Đường lên cổng trời khá vất vả nhưng không làm nản chí của những con người mang ham muốn hòa mình vào thiên nhiên, đất trời, muốn say hết mình, muốn được tịnh tâm.
Với lối kiến trúc Nhật Bản độc đáo, “Cổng trời Torii” có một sức hút đến kì lạ. Vị thế đắc địa, đứng trên Cổng trời, phóng tầm mắt bốn phương với sự hùng vĩ của rừng núi trùng trùng điệp điệp kéo dài đến tận chân trời có cảm giác như quên hết mọi sự, chỉ có riêng “ta với rừng”.
Bình minh và hoàng hôn chính là lúc nơi đây trở nên tuyệt vời nhất. Lúc sáng sớm, giữ hơi lạnh của núi rừng, bốn bề dường như vẫn còn chưa kịp thức giấc giữa màn sương mờ ảo, vang vọng tiếng chim muông líu lo, cuộc sống cứ từng nhịp chậm trôi qua, không biết thời gian nhanh hay chậm, con người cũng chẳng buồn níu giữ vì mải hòa nhập vào cảnh sắc hương trời.
Chốn bồng lai tiên cảnh với những vệt sáng vào buổi chiều tà tạo thêm điểm nhấn cho khung cảnh của chùa. Ban đêm, nếu vào dịp trời đầy sao và trăng tròn, bạn sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp tuyệt mĩ không thua kém gì một hiện tượng thiên văn học.
Đến Linh Quy Pháp Ẩn bạn vừa có thể ngắm nhìn toàn cảnh đại ngàn từ trên cao vừa có thể vào chùa cầu an cho mình và gia đình. Kiến trúc bên trong chùa mang nét cổ xưa, những thân cột to đánh bóng và những chiếc đèn lồng vàng tạo không khí ấm áp, gần gũi, làm người ta liên tưởng đến vẻ đẹp hoài cổ nơi chùa Cầu phố Hội.
Ở Am Pháp Ấn, bạn còn lưu lại những bức ảnh hoàn hảo với bạn bè. Vượt qua chặng đường để thành quả là vẻ đẹp của chốn “tiên cảnh hạ giới” thật xứng đáng. Và nhớ cố gắng ăn mặc kín đáo, nói khẽ, tránh cười đùa để giữ sự yên tĩnh trong chùa và không phiền các sư nhé!
Gửi phản hồi